Khi mang thai người mẹ cần ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng để mẹ và bé khoẻ mạnh. Năng lượng theo khẩu phần của phụ nữ có thai khoảng 2550 Kcal, nhiều hơn khi không có thai khoảng 350 Kcal. Mỗi bữa ăn nên đầy đủ 4 nhóm thực phẩm chính: nhóm đường bột, nhóm đạm, nhóm vitamin và khoáng chất, nhóm béo và có thể chia lượng thức ăn thành nhiều lần trong ngày.
MỘT SỐ CHẤT CẦN THIẾT CHO THAI PHỤ VÀ THAI NHI
Acid Folic: rất cần thiết cho sự phát triển bình thường ống thần kinh thai nhi, sau này phát triển thành não và tủy sống.
Nên bổ sung acid folic ngay từ khi bạn có dự định có thai, ít nhất là 3 tháng trước khi có thai và trong suốt thai kỳ.
Liều lượng: 400 – 800 mcg/ ngày. Những phụ nữ có tiền căn sanh con bị dị tật ống thần kinh, liều acid folic cần bổ sung cao hơn nhiều.
Acid folic có nhiều trong các loại rau màu xanh đậm, cà rốt, ngũ cốc, men, gan, lòng đỏ trứng, dưa hấu, bơ, bí đỏ, các loại đậu, cam, quýt…
Sắt: là thành phần cấu tạo nên tế bào máu. Thiếu máu, thiếu sắt trong thai kỳ sẽ dẫn đến hậu quả sanh non, sanh con nhẹ cân, dễ băng huyết sau sanh…
Liều lượng: 30 – 60 mg sắt nguyên tố/ ngày.
Sắt có nhiều trong các loại thịt có màu đỏ, cá, thịt gia cầm, trứng, rau có màu xanh…
Canxi: cần cho sự hình thành xương và mầm răng của trẻ cũng như quá trình chuyển hóa canxi cho người mẹ.
Liều lượng: 1300mg canxi/ ngày, đặc biệt trong 3 tháng cuối thai kỳ.
Canxi có nhiều trong sữa, các sản phẩm từ sữa, tôm, cua, cá, bông cải xanh…
Ngoài ra, phụ nữ có thai cũng cần được cung cấp các loại vitamin như vitamin A, D, C và các vitamin B, các chất xơ.
SỰ TĂNG CÂN TRONG THAI KỲ
Số cân nặng người mẹ cần tăng trong suốt thai kỳ sẽ tùy theo chỉ số khối cơ thể (viết tắt là BMI) trước khi bạn có thai.
Công thức tính BMI = trọng lượng (kg) / (chiều cao)2 (m)
Nếu BMI <18: cần tăng 16 kg
Nếu BMI 18 – 23: cần tăng 8 – 12kg
Nếu BMI 23 – 25: cần tăng 6 – 8kg
Nếu BMI >26: cần tăng <6kg
SỰ TĂNG CÂN TRUNG BÌNH TRONG THAI KỲ
3 tháng đầu thai kỳ: 0 – 1kg
3 tháng giữa: 3 – 6kg
3 tháng cuối: 3 – 6kg
NHỮNG THỰC PHẨM NÊN KIÊNG TRONG THAI KỲ
- Không nên ăn thịt, hải sản sống hoặc chưa được chế biến kỹ.
- Hạn chế ăn rau, củ quả sống chưa được rửa sạch.
- Hạn chế dùng thức ăn nhanh có nhiều dầu mỡ.
- Hạn chế dùng thực phẩm đông lạnh, thực phẩm đóng hộp đặc biệt thực phẩm quá hạn sử dụng.
- Không nên ăn uống thức ăn chưa được chế biến kỹ để tránh nhiễm các loại ký sinh trùng, vi khuẩn như Toxoplasma, Salmonella, Listeria.
- Không hút thuốc hoặc tiếp xúc với khói thuốc lá.
- Không uống rượu bia và các chất kích thích.
|