SẨY THAI

SẨY THAI

>> Cử động thai

Sẩy thai

“Sẩy thai là thai ngừng tiến triển và được tử cung co bóp, đẩy ra ngoài khi thai chưa tới 20 tuần tuổi (khoảng 4-5 tháng). “

Nguồn: Bệnh viện Mỹ Đức

Sẩy thai là thai ngừng tiến triển và được tử cung co bóp, đẩy ra ngoài khi thai chưa tới 20 tuần tuổi (khoảng 4-5 tháng). Đa số các trường hợp sẩy thai xảy ra trước 7 tuần tuổi. Sau khi đã siêu âm thấy túi thai và tim thai, khả năng sẩy thai thấp hơn. Nếu sẩy thai từ 2 lần gần nhau trở lên gọi là sẩy thai liên tiếp.

Tỉ lệ sẩy thai trung bình ở thai phụ khoảng 15%.

Bác sĩ có thể chẩn đoán dọa sẩy thai (hay động thai) khi có đau bụng và ra huyết âm đạo, đây là dấu hiệu cho thấy có thể bị sẩy thai.

Thai phụ càng lớn tuổi, tỉ lệ sẩy thai càng cao. Tỉ lệ sẩy thai bắt đầu tăng rõ khi thai phụ trên 30 tuổi, tăng nhanh khi 35-40 tuổi và cao nhất nếu có thai sau 40 tuổi.

Hơn 50% trường hợp sẩy thai không tìm được nguyên nhân cụ thể.

MỘT SỐ NGUYÊN NHÂN GÂY SẨY THAI THƯỜNG GẶP

Bản thân thai bất thường là nhóm nguyên nhân chiếm tỉ lệ cao nhất. Thai không phát triển và sẩy chủ yếu do bất thường nhiễm sắc thể. Người mẹ càng lớn tuổi, khả năng sẩy thai do thai bất thường càng tăng.

Dị dạng tử cung có thể dẫn đến sẩy thai ở ba tháng giữa của thai kỳ. Một số nguyên nhân khác có thể do bất thường ở tử cung như u xơ tử cung, polyp lòng tử cung…

Một số bất thường về nội tiết như tiểu đường, tăng prolactin máu, cường giáp cũng có thể gây sẩy thai.

Một số loại virus, vi khuẩn như toxoplasma, rubella, cytomegalo virus, herpes virus, chlamydia… nếu nhiễm cấp có thể làm tăng nguy cơ sẩy thai.

Một số nguyên nhân về miễn dịch trong cơ thể mẹ cũng có thể làm sẩy thai.

Trong thực tế, rất khó xác định được chính xác nguyên nhân gây sẩy thai.

CÁC DẤU HIỆU NGHI NGỜ SẨY THAI

Phụ nữ đang có thai nếu có các dấu hiệu sau thì có thể nghi ngờ sẩy thai:

Đau lưng, đau bụng nhẹ đơn thuần

Ra máu âm đạo, có thể kèm đau bụng hoặc không.

KHI CÓ DẤU HIỆU NGHI NGỜ SẨY THAI, BÁC SĨ CÓ THỂ LÀM GÌ CHO BẠN?

Siêu âm kiểm tra tình trạng thai

Thử máu, định lượng nội tiết – beta hCG (nội tiết do nhau thai tiết ra)

Khám kiểm tra cổ tử cung (thường với thai lớn)

Làm thêm các xét nghiệm cần thiết khác

Trong trường hợp nghi ngờ sẩy thai, bác sĩ có thể khuyên thai phụ vận động nhẹ nhàng nghỉ ngơi và cho thuốc nội tiết dưỡng thai. Tuy nhiên, do khó xác định được nguyên nhân sẩy thai và chủ yếu là do thai bất thường, nên nếu thai đã sẩy thật sự thì khả năng giữ thai là rất khó.

Điều trị khi đã sẩy thai thực sự

  • Theo dõi ra huyết âm đạo và các triệu chứng khác. Đa số thai sẽ tự sẩy hoàn toàn. Nếu thai sẩy hoàn toàn thì không cần điều trị đặc biệt.
  • Nếu còn sót nhau, thai trong tử cung, bác sĩ có thể cho thuốc để tử cung đẩy thai ra ngoài hoặc hút, nạo thai sẩy.