Hai người phụ nữ – một giấc mơ lớn đưa ngành Hỗ trợ sinh sản Việt Nam vươn tầm thế giới

Vào ngày 30/4/1998, GS.BS. Nguyễn Thị Ngọc Phượng và ê-kíp bác sĩ trong đó có PGS.TS.BS. Vương Thị Ngọc Lan, ThS.BS. Hồ Mạnh Tường…đã tạo nên bước ngoặt lớn cho nền Y học nước nhà khi chào đón 3 em bé đầu tiên sinh ra bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON). Và 25 năm kể từ ngày lịch sử ấy, hàng triệu em bé Việt Nam đã chào đời nhờ kỹ thuật này.

“Ngày đó, tôi đặt ra một ước mơ, một khát vọng được làm điều gì đó cho những người phụ nữ là bệnh nhân hiếm muộn của mình. Có nhiều bệnh nhân tan vỡ gia đình vì không sinh được con, nhiều người đau khổ vì nhà chồng dọa ly dị, hoặc có người dọa tự tử vì không chịu được áp lực của dư luận xã hội. Cứ nghĩ về những nỗi đau mà họ phải gánh chịu, tôi ray rứt hoài không nguôi và cố gắng làm sao để đẩy nhanh chương trình Hỗ trợ sinh sản (HTSS), giúp họ vượt qua nỗi đau này”. – GS.BS. Ngọc Phượng

BS. Phượng và ekip đang bế em bé TTTON đầu tiên

Những câu chuyện đầy nước mắt của biết bao người phụ nữ Việt Nam ngày ấy khiến bác sĩ Phượng thao thức nhiều đêm dài. Biến yêu thương thành hành động, GS.BS. Nguyễn Thị Ngọc Phượng gói ghém từng đồng tiền lương ít ỏi rồi sang Pháp du học, quyết tâm đem kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) về Việt Nam với mong muốn hiện thực hóa giấc mơ làm mẹ của phụ nữ Việt. Và hôm nay như những gì BS. Phượng mong ước, cả Việt Nam đến nay đã có gần 50 đơn vị HTSS từ Nam ra Bắc.

Nhớ về thuở ban sơ khi mới bước chân vào con đường hỗ trợ sinh sản, PGS.TS.BS. Vương Thị Ngọc Lan bộc bạch: “Vào những năm 1998, thụ tinh ống nghiệm là một điều vô cùng lạ lẫm ở Việt Nam. Rất ít người ủng hộ vì cho rằng em bé sinh ra trong ống nghiệm sẽ phát triển không bình thường, sinh ra bị dị tật, quái thai. Thậm chí nhiều người còn dè bỉu sao rảnh dữ, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc mà đi lo mấy việc cao lương mỹ vị. Do đó, chỉ cần có một điều bất thường ở ba đứa bé đều có thể trở thành vấn đề rất lớn, ảnh hưởng đến chuyên ngành HTSS ở Việt Nam lúc bấy giờ”. Vượt qua những rào cản và định kiến của xã hội, BS. Ngọc Lan đã tiếp nối con đường của mẹ để viết tiếp giấc mơ lớn cho ngành HTSS, đưa Việt Nam vươn tầm thế giới và mang tiếng cười trẻ thơ đến với những gia đình hiếm muộn đang mong mỏi tìm con. Thành công của kỹ thuật IVF mở ra cơ hội cho nhiều gia đình Việt vì chi phí thực hiện thụ tinh ống nghiệm ở Việt Nam chỉ bằng 1/3 -1/5 so với nước ngoài. Nhưng theo BS. Ngọc Lan, vẫn còn nhiều gia đình khó khăn, không đủ kinh tế để đi đường dài trong quá trình thụ tinh ống nghiệm, không phải ai cũng may mắn đậu thai từ lần đầu chuyển phôi. Nhìn ánh mắt ngậm ngùi của các cặp vợ chồng sau nhiều lần thụ tinh ống nghiệm không thành công, những giọt nước mắt chua xót khi đôi vợ chồng phải bán hết gia tài dành dụm cả đời để có một đứa con mà vẫn chưa được như mong ước, trái tim chị thắt lại. Sau mỗi lần như thế, chị cứ đau đáu đi tìm câu trả lời cho những nghiên cứu của mình: “Chuyển phôi tươi có hiệu quả và đỡ tốn kém cho bệnh nhân hơn không? Liệu có phương pháp nào khác không cần tốn 50% chi phí thuốc dùng để làm kích thích buồng trứng mà giảm được những nguy cơ gây hại cho sức khỏe hay không?”. Và khi yêu thương đủ lớn thì cây cũng cho thật nhiều hoa thơm, trái ngọt. Kỹ thuật CAPA – IVM (nuôi trưởng thành noãn non trong ống nghiệm không sử dụng thuốc kích thích buồng trứng) mà BS. Ngọc Lan và các đồng nghiệp dày công nghiên cứu ra đời, thắp lên hy vọng cho các bệnh nhân mắc hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS). Ngay cả những phụ nữ không may bị ung thư vẫn có cơ hội bảo tồn thiên chức làm mẹ nhờ phương pháp này. BS. Ngọc Lan cũng nhẹ lòng hơn vì phần nào giảm đi gánh nặng kinh tế cho bệnh nhân với chi phí thực hiện chỉ bằng phân nửa so với IVF, vừa giảm được nguy cơ quá kích buồng trứng, giảm biến chứng mà tỷ lệ thành công vẫn tương đương với IVF.

GS. BS. Nguyễn Thị Ngọc Phượng và PGS. TS. BS. Vương Thị Ngọc Lan

Kết quả nghiên cứu của PGS.TS.BS. Vương Thị Ngọc Lan và cộng sự cùng với Giáo sư Ben Mol, Giáo sư Robert Norman ở Đại học Adelaide (Úc) được công bố trên tạp chí y khoa danh tiếng hàng đầu thế giới The New England Journal of Medicine ngày 11/1/2018. Công trình này đã đưa tên tuổi của PGS.TS.BS. Vương Thị Ngọc Lan vào top 100 nhà khoa học châu Á năm 2020 được bình chọn bởi Tạp chí khoa học Asian Scientist (Singapore). Chị cũng là một trong ba nhà khoa học nhận giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2020 cho nhà nghiên cứu khoa học xuất sắc. Cho đến nay, nhóm nghiên cứu của Việt Nam đã có 12 bài báo công bố quốc tế về IVM, đặc biệt là về kỹ thuật IVM cải tiến, với tên gọi là CAPA-IVM. Đầu năm 2021, Hội Y học sinh sản Mỹ công bố hướng dẫn lâm sàng về việc thực hiện kỹ thuật IVM.

BS. Ngọc Lan đang giới thiệu kỹ thuật IVM cho chuyên gia nước ngoài

Người phụ nữ nhỏ nhắn ấy đã khắc hai chữ Việt Nam đầy hiên ngang trên bản đồ y khoa thế giới. Đó là thành quả được nuôi dưỡng từ niềm đam mê với nghề, sự tôi luyện trong gian khó và hơn hết là những trắc ẩn xuất phát từ trái tim. BS. Ngọc Lan chia sẻ: “Khi nghiên cứu về thụ tinh ống nghiệm, lúc đó tôi còn rất trẻ nên chú ý nhiều hơn tới khía cạnh kỹ thuật mà chưa cảm nhận trọn vẹn từng câu chuyện, từng cuộc đời của những bệnh nhân nữ khi đến điều trị. Cho đến khi sinh con đầu lòng, nuôi con, tôi mới thấu hiểu tâm tư và nỗi buồn của những người mẹ đang mong ngóng, khao khát có con hàng chục năm trời. Và tôi vẫn luôn tâm niệm về những lời dạy của mẹ tôi – GS.BS. Nguyễn Thị Ngọc Phượng – rằng muốn cứu được bệnh nhân, điều trị tốt cho bệnh nhân thì mình phải giỏi chuyên môn, đó là điều tiên quyết, và mình cần phải có tấm lòng. Mẹ như một người thầy lớn, tôi học được thái độ và tinh thần làm việc cống hiến hết sức mình, hy sinh thời gian cá nhân riêng tư của mình vì sứ mệnh phục vụ, chăm sóc cho bệnh nhân, nghĩ cho người bệnh trước hết”. Hai người phụ nữ cùng chung một ước mơ. Ước mơ bình dị nhưng rất đỗi phi thường – mơ hạnh phúc cho tất cả những người phụ nữ đang mong con sẽ tìm được con, mơ Việt Nam sẽ đóng góp những nghiên cứu của mình cho y học thế giới, trở thành một trong những quốc gia hàng đầu trong lĩnh vực Hỗ trợ sinh sản. PGS.TS.BS. Vương Thị Ngọc Lan đã và đang nỗ lực từng ngày cùng các đồng nghiệp của mình để viết tiếp ước mơ, tạo thêm những kỳ tích trên con đường đã chọn…
————————
#PhòngKhámNgọcLan
Thời gian làm việc: Sáng (7h00-11h00); Chiều (13h30-19h00) Từ thứ 2 đến thứ 7
Địa chỉ: 55/25 Lê Thị Hồng Gấm, Phường Nguyễn Thái Bình, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh
Hotline: 0902 312 301