ĐÁI THÁO ĐƯỜNG THAI KỲ

ĐÁI THÁO ĐƯỜNG THAI KỲ

>> Tăng huyết áp và thai kỳ

Dai thao duong thai ky

 “ĐTĐTK còn được gọi là “bệnh tiểu đường” trong thai kỳ. Đây là tình trạng trong nước tiểu có nhiều đường hoặc đường trong máu tăng cao trong quá trình mang thai.”

Nguồn: http://myduchospital.vn

 

ĐÁI THÁO ĐƯỜNG THAI KỲ (ĐTĐTK) LÀ GÌ?

ĐTĐTK còn được gọi là “bệnh tiểu đường” trong thai kỳ. Đây là tình trạng trong nước tiểu có nhiều đường hoặc đường trong máu tăng cao trong quá trình mang thai. Khoảng 10 – 20% thai phụ bị bệnh này và bệnh thường xảy ra vào 3 tháng giữa thai kỳ (tháng thứ 4 đến tháng thứ 6).

NHỮNG THAI PHỤ NÀO CÓ NGUY CƠ ĐTĐTK

  • Thừa cân, béo phì
  • Thai kỳ trước có ĐTĐTK
  • Sinh con lần trước to (>4kg)
  • Bố hoặc mẹ bị đái tháo đường
  • Hội chứng buồng trứng đa nang
  • Sẩy thai liên tiếp
  • Thai lưu trong thai kỳ trước

ĐTĐTK CÓ BIỂU HIỆN NHƯ THẾ NÀO VÀ NGUY HIỂM GÌ?

ĐTĐTK thường không có triệu chứng hoặc một số ít trường hợp biểu hiện mệt mỏi, khát nước và tiểu nhiều, nhưng gây ra nhiều biến chứng.

Biến chứng cho mẹ:

  • Dễ bị nhiễm trùng tiểu
  • Dễ bị cao huyết áp trong thai kỳ, tiền sản giật, sản giật

Biến chứng cho thai:

  • Thai lưu trong tử cung
  • Thai to so với tuổi thai hay chậm tăng trưởng trong tử cung
  • Đa ối (rất nhiều nước ối trong tử cung)
  • Sinh khó do thai nhi quá to
  • Sinh non
  • Trẻ sau sinh dễ bị hạ đường huyết, hội chứng suy hô hấp cấp, hạ canxi huyết, đa hồng cầu, tăng bilirubin/máu
  • Tăng nguy cơ béo phì và đái tháo đường khi lớn

LÀM SAO PHÁT HIỆN ĐTĐTK?

ĐTĐTK có thể được phát hiện bằng nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống (Oral Glucose Tolerance Test – OGTT). Thời điểm thực hiện lý tưởng là đầu thai kỳ khi khả năng đái tháo đường cao hoặc khi thai được 24-28 tuần tuổi, đây đều là những giai đoạn có nguy cơ cao. Nghiệm pháp này được thực hiện thường qui ở hầu hết các nước trên thế giới.

QUY TRÌNH THỰC HIỆN OGTT

1. Trong 3 ngày trước khi thực hiện:

  • Thai phụ ăn uống như chế độ bình thường, không ăn kiêng.

2. Vào ngày thực hiện nghiệm pháp:

  1. Thai phụ nhịn ăn và không sử dụng các loại thức uống có đường, sữa ít nhất 8 giờ trước khi thực hiện.
  2. Thai phụ được lấy máu 3 lần (mỗi lần khoảng 2ml)
  • Lần 1: ngay khi đến bệnh viện
  • Lần 2: 1 giờ sau khi uống 250ml Gluose 30% (Lưu ý: uống trong 3-5 phút, không hút thuốc, ăn, hay uống nước ngọt trong khi làm xét nghiệm)
  • Lần 3: 2 giờ sau khi uống Glucose

Kết quả được cho là trong giới hạn bình thường nếu:

Đường huyết đói <92 mg/dl hay <5.1 mmol/l
Đường huyết sau 1 giờ <180 mg/dl hay <10 mmol/
Đường huyết sau 2 giờ <153 mg/dl hay < 8.5 mmol/l

(Theo Hiệp hội Đái tháo đường và thai kỳ Quốc tế, 2010)

CHẾ ĐỘ ĂN, VẬN ĐỘNG CHO THAI PHỤ BỊ ĐTĐTK

Mục tiêu:

  • Duy trì đường huyết ổn định theo yêu cầu bác sỹ chuyên khoa.
  • Tăng cân trung bình 10 – 12 kg/ thai kỳ (1 – 2 kg trong 3 tháng đầu, sau đó 350 – 400 gram/ tuần).

Cách thức:

  • Chia nhiều bữa ăn trong ngày (4 – 6 bữa gồm 3 bữa chính và các bữa phụ)
  • Lựa chọn thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp hoặc vừa (bún, khoai lang), hạn chế thực phẩm làm tăng đường huyết nhiều (cơm, nếp) (Tham khảo chỉ số đường huyết thực phẩm: www.mendosa.com/gilists.htm số liệu do Trung tâm dinh dưỡng thực hiện)
  • Tăng cường chất xơ trong rau xanh, cám gạo…
  • Ưu tiên chất béo nguồn gốc thực vật.
  • Hạn chế rượu, bia.
  • Đi bộ, tập thể dục tối thiểu 30 phút/ ngày, 5-7 ngày/ tuần, nếu không có chống chỉ định của bác sỹ chuyên khoa.