Trang chủ / THÔNG TIN / Thông tin hoạt động / BÁC SĨ VƯƠNG THỊ NGỌC LAN – 10 NGÀY NƠI XỨ NGƯỜI VÀ HÀNH TRÌNH ĐƯA CAPA-IVM VƯƠN TẦM THẾ GIỚI
BÁC SĨ VƯƠNG THỊ NGỌC LAN – 10 NGÀY NƠI XỨ NGƯỜI VÀ HÀNH TRÌNH ĐƯA CAPA-IVM VƯƠN TẦM THẾ GIỚI
Người ta thường nói, hành trình chúng ta lựa chọn bắt nguồn từ hạt mầm được gieo từ những ký ức trẻ thơ.
Câu chuyện đưa kỹ thuật IVM về Việt Nam là hoài bão được PGS.TS.BS. Vương Thị Ngọc Lan ấp ủ trong nhiều năm dài. Là con gái của một bác sĩ Sản khoa – GS. BS. Nguyễn Thị Ngọc Phượng, theo chân mẹ đến bệnh viện từ khi còn là một cô bé và sau nay cũng trở thành một nữ bác sĩ Sản khoa, BS. Lan đã chứng kiến không ít những giọt nước mắt hạnh phúc của người mẹ sinh con thành công, nhưng cũng không ít lần nhói lòng khi phải đối diện với những giọt nước mắt tuyệt vọng của bệnh nhân không có cơ hội được làm mẹ.
Trong một lần tham dự hội nghị khoa học quốc tế, BS. Lan có cơ hội đọc được tài liệu về kỹ thuật IVM – Kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm không dùng thuốc kích thích buồng trứng, hoặc dùng thuốc rất ít vẫn có thể tạo thành phôi như bình thường. Thế là, hy vọng trong nữ bác sĩ được thắp lên, sau khi về nước, BS. Vương Thị Ngọc Lan và BS. Đặng Quang Vinh liên hệ với 1 vị giáo sư người Nhật – chuyên gia trong lĩnh vực IVM lúc bấy giờ và bắt đầu sang Nhật theo học vào năm 2006. Quá trình học chỉ vỏn vẹn trong 10 ngày, với điều kiện không được mang sách vở, không được ghi âm, chỉ quan sát. Các đồng nghiệp người Nhật cũng hạn chế trong giao tiếp tiếng Anh, nên việc trao đổi, hỏi thêm thông tin cũng gặp nhiều khó khăn. Nhưng ôm theo sự kỳ vọng của những đồng nghiệm ở nhà, hai bác sĩ đã lên kế hoạch phân chia nhiệm vụ thu thập thông tin học tập để cố gắng hiểu rõ quy trình thực hiện một cách tốt nhất có thể. Hai anh chị phân công nhau, người ghi nhớ các chi tiết liên quan lâm sàng, người tập trung các thao tác trong phòng labo. Mỗi ngày sau giờ học hỏi ở bệnh viện, hai bác sĩ về nhà cố gắng ghi chép theo trí nhớ, rồi cùng nhau lắp ghép thành bức tranh hoàn thiện. Mọi người thường đùa với nhau rằng đây có lẽ là một “nhiệm vụ bất khả thi”.
Đến khi về nước, năm 2007, bác sĩ Lan đã thực hiện kỹ thuật này và thành công đã đến ngay từ ca đầu tiên. Cặp song thai đầu tiên đã giúp cho niềm tin về sự phát triển của kỹ thuật IVM tại Việt Nam. Từ 2007 đến nay, Việt Nam đã thực hiện được hơn 4.200 ca IVM. Tại hội nghị chuyên sâu về kỹ thuật IVM của thế giới tổ chức tại Bỉ năm 2016, giáo sư Morimoto đã có một báo cáo tổng kết tình hình phát triển kỹ thuật IVM trên thế giới, trong đó, ghi nhận Việt Nam là một trong những nước thực hiện kỹ thuật IVM nhiều và thành công nhất trên thế giới. Cho đến nay, nhóm nghiên cứu của BS. Vương Thị Ngọc Lan và các cộng sự đã có 12 bài báo công bố quốc tế về IVM, đặc biệt là về kỹ thuật IVM cải tiến, với tên gọi là CAPA-IVM. Kỹ thuật CAPA-IVM là kết quả của một công trình khoa học hợp tác giữa Việt Nam và Bỉ. Đây là kỹ thuật hoàn toàn không dùng thuốc kích thích buồng trứng. Các báo cáo công bố trên các tạp chí y khoa uy tín thế giới cho thấy tỷ lệ có thai sau chuyển phôi của kỹ thuật CAPA-IVM không kém hơn so với thụ tinh ống nghiệm cổ điển (IVF).
Với những thành công này, đã giúp Việt Nam ghi tên lên bản đồ y khoa thế giới, từ khi các bác sĩ Việt Nam khăn gói qua xứ người học hỏi cho đến hôm nay, Việt Nam đã thường xuyên đón tiếp nhiều đoàn đến tham quan với phòng labo và kỹ thuật nuôi trưởng thành trứng. Và rất nhiều người đồng nghiệp từ Úc, Ý, Đức, Mỹ…xa xôi cũng đã tìm đến Việt Nam để học hỏi kỹ thuật CAPA-IVM.
Năm 2022, sau dịch, Úc cử 4 người sang Việt Nam học CAPA-IVM theo phác đồ mới và về nước triển khai thành công, giúp một số phụ nữ mang thai. Trong đó, Bonnie là em bé Úc đầu tiên chào đời nhờ kỹ thuật CAPA – IVM được bác sĩ Việt Nam chuyển giao. Giáo sư Rob Gilchrist, ĐH New South Wales, một trong những người “thiết kế” chương trình CAPA-IVM đầu tiên ở Úc, cho biết: “Em bé đầu tiên ra đời là kết quả sự hợp tác giữa các nhà khoa học của Việt Nam và Bỉ. IVF giúp sinh ra hàng triệu trẻ em trên khắp thế giới, song nhiều phụ nữ không thể thực hiện được kỹ thuật này”.
15 năm qua, hàng nghìn em bé tại Việt Nam đã chào đời nhờ kỹ thuật nuôi trứng trưởng thành trong ống nghiệm (IVM) minh chứng cho những nỗ lực của BS. Lan và cộng sự đưa kỹ thuật IVM là điều hoàn toàn xứng đáng.
—————
Phòng khám Ngọc Lan
Thời gian làm việc: Sáng (7h00-11h00); Chiều (13h30-19h00) Từ thứ 2 đến thứ 7
Địa chỉ: 55/25 Lê Thị Hồng Gấm, Phường Nguyễn Thái Bình, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh
Hotline: 0902 312 301